Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Google khởi động dự án nghiên cứu khả năng sáng tác nhạc, vẽ tranh của trí thông minh nhân tạo

Không chỉ đánh cờ vây thắng người, lọc ảnh cho người dùng, dịch nhiều ngôn ngữ,... mà bây giờ Google còn muốn cho hệ thống trí thông minh nhân tạo ( AI) để sáng tác nhạc. Đây chính là mục tiêu của dự án mang tên Magenta do Google chính thức khởi động vào 1/6 sắp tới nhằm khám phá thêm khả năng của AI, từ đó tìm kiếm phương pháp hoàn thiện nó hơn.

Magenta được khởi động bởi nhóm phát triển hệ thống trí thông minh nhân tạo Brain AI của Google. Đây chính là đội ngũ đã phát triển nên các thế hệ AI đang được dùng trong các dịch vụ như Translate, Photos và Inbox. Magenta được xây dựng bằng TensorFlow - thư viện mã nguồn mở hỗ trợ phát triển các hệ thống machine learning do Google phát triển trước đây. Và mục tiêu của dự án này không gì khác hơn là test khả năng của AI, trả lời cho câu hỏi rằng "Liệu máy tính có thể tạo ra âm nhạc và các tác phẩm hội họa? Nếu được thì làm thế nào? Nếu không được thì tại sao không?"

Kỳ thực thì đây không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Các nhà nghiên cứu và các tác giả vẫn đang tạo ra âm nhạc bằng sự hỗ trợ của công nghệ từ nhiều năm qua. Một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này chính là tiến sĩ Nick Collins - một nhà soạn nhạc đã sử dụng hệ thống machine learning để tạo nên các bài nhạc. Bên cạnh Collins còn có nhiều cá nhân khác cũng đang tạo ra các bài nhạc bằng các đoạn code mạng nơ ron hồi quy và thậm chí đã có những sản phẩm thương mại hóa dựa theo cách làm này.

eck_Google_Tinhte.jpg
Douglas Eck, nhà nghiên cứu của đội ngũ Google Brain, giới thiệu về dự án Magenta

Và cho tới hiện tại thì Google vẫn chưa tiết lộ hệ thống AI sáng tác nhạc hay vẽ tranh của họ sẽ có những điểm gì khác so với các hệ thống nêu trên. Tuy nhiên trong đoạn video giới thiệu do hãng giới thiệu tại sự kiện âm nhạc và công nghệ thường niên Moogfest diễn ra mới đây thì yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống chính là quá trình "dạy" AI, cho phép nó có thể hấp thụ và học hỏi từ rất nhiều dạng nội dung giải trí khác nhau, cụ thể tại Moogfest là âm nhạc. Sau khi được đào tạo, người dùng chỉ cần AI "gieo hạt" với vài nốt nhạc và sau đó AI sẽ thỏa sức sáng tạo để biến những nốt nhạc đó thành một bài nhạc hoàn thiện. Sản phẩm đầu ra có thể được tùy chỉnh bằng cách thay đổi độ phức tạp của các tính toán, từ đó cho ra tác phẩm như người dùng mong muốn.

Về cơ bản thì cách hoạt động của hệ thống AI của Magenta tương tự như hệ thống AI trước đây của Google là DeepDream với khả năng chuyển những hình ảnh "học" được thành các tác phẩm nghệ thuật "phiêu bồng" như bạn thấy ở đầu bài. Douglas Eck, một nhà nghiên cứu của đội ngũ Google Brain, chia sẻ tại sự kiện Moogfest rằng mục đích cuối cùng của dự án là xem làm thế nào máy tính có thể tạo nên những sản phẩm nghệ thuật mới một cách bán độc lập.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc dùng một AI duy nhất để bắt nó vừa vẽ tranh, vừa sáng tác nhạc là quá khó khăn và điều đó chỉ có thể làm được khi Google đã đạt được những bước đột phá trong lĩnh vực này. Và do đó, đầu tiên dự án sẽ tập trung vào âm nhạc sau đó mới chuyển sang hình ảnh. Được biết trước khi tham gia dự án Magenta, Eck đã từng chịu trách nhiệm mảng tìm kiếm nhạc và đưa ra khuyến nghị người dùng trong Google Play Music. Và do đó người ta cũng không quá bất ngờ khi ông muốn sửu dụng AI để sáng tác.

Nếu một chiếc máy tính có thể hiểu được tại sao bạn thích nghe 1 bài nhạc tại một thời điểm cụ thể thì nó có thể đưa ra những gợi ý tốt hơn nữa. Đây chính là một dạng AI hướng tới từng người dùng và khả năng nhận thức bối cảnh để đưa ra gợi ý là mục tiêu mà nhiều dịch vụ âm nhạc muốn có được nhưng không hề đơn giản chút nào. Mặc dù đây chưa phải là mục tiêu cụ thể của Magenta nhưng rõ ràng có thể thông qua dự án lần này, chức năng này sẽ xuất hiện trên dịch vụ nghe nhạc của Google?

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.